Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

[Xã hội] -Nên rờ... cục sắt

Trong những cái hách dịch quan liêu trên đời, cái hách dịch quan liêu của xe lửa là đứng đầu bảng. Họ hách dịch quan liêu từ khâu hướng dẫn khách đến khâu mua vé, đón khách lên tàu, kiểm tra vé, bán thức ăn đồ uống cho khách. Tôi không hiểu sao một ngành tuổi đời cao như vậy lại lạnh lùng với khách, y như... cục sắt giữa mùa đông.

Trong thời gian qua, nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải và ông bộ trưởng Đinh La Thăng nhằm chấn chỉnh những trì trệ trong toàn ngành đã được nhân dân đồng cảm và ghi nhận. Những chiếc cầu treo mới đã được nhanh chóng xây dựng ở các xã vùng cao Việt Bắc.


Những đơn vị xây dựng cầu đường trên QL 1A đã biết hứa thực hiện đúng tiến độ và cam kết với nhân dân về chất lượng công trình. Đường bộ đã thực hiện khá nghiêm túc việc xử phạt xe vượt quá tải trọng, thu đổi bằng lái xe. Đường thủy đã lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa ven biển. Đường hàng không đã thực hiện việc kiểm tra, giám sát các chuyến bay, khắc phục việc chậm trễ và... nói dối với khách.

Nhân dân có cảm tưởng rằng đây là một cuộc vận động để ngành giao thông vận tải tự lột xác, tiến lên cung cách làm ăn mới tích cực và hiệu quả. Ông bộ trưởng và các vị lãnh đạo bộ đã chịu khó đi nhiều nơi, uốn nắn nhiều lĩnh vực hoạt động. Sau khi được uốn nắn, các lĩnh vực hoạt động đã tiến bộ lên. Tôi là người dân, một hành khách bình thường rất lấy làm cảm kích và hy vọng ngành giao thông vận tải sẽ “bay lên” sau đợt chấn chỉnh này.

Nhân đây, tôi kính đề nghị lãnh đạo bộ quan tâm “rờ” thật kỹ tới Cục Đường sắt mà tôi tạm gọi là... cục sắt. Với cái nhìn khách quan của một người làm báo, tôi thấy Cục Đường sắt có những trì trệ kỳ lạ mà gần 40 năm qua hình như là chưa thay đổi được.

Trong các thứ vận chuyển hàng hóa trên đời thì giá cước vận chuyển bằng đường thủy là rẻ nhất, vận chuyển bằng đường sắt là rẻ hạng nhì. Thế nhưng cho đến ngày hôm nay, việc vận chuyển hàng hóa của đường sắt được coi là không đáng kể so với vận chuyển hành khách. Doanh thu của hoạt động đường sắt nói chung còn thua xa so với doanh thu của đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Điều kỳ lạ là gần như đường sắt từ chối chở nhiều thứ hàng hóa mặc dù hàng hóa đó là hợp pháp, vệ sinh, có lợi cho nền kinh tế. Tôi lấy thí dụ một mặt hàng như đường ăn.

Cứ theo ngành đường sắt thì đường ăn không có trong danh mục những hàng hóa được đưa lên xe lửa. Một vị phó giám đốc của một công ty đường phía nam phát biểu trên truyền hình rằng ông muốn đưa đường của công ty mình lên xe lửa để phân phối ra các tỉnh phía bắc, thế nhưng xe lửa không nhận do cái quy định lạ đời trên. Theo ông, đường mà vận chuyển bằng đường thủy thì sẽ dễ hút ẩm, mất phẩm chất; vận chuyển bằng đường bộ thì hơi mắc tiền, dẫn đến chuyện giá lên cao, vừa khó cho người tiêu dùng, vừa không cạnh tranh được với hàng nhập lậu. Vậy con đường vận chuyển đường sản xuất nội địa tối ưu vẫn là xe lửa, giá vừa không cao, chất lượng đường lại an toàn. Thế nhưng, xe lửa lại không nhận vận chuyển đường, dù từ các vị lãnh đạo ngành đường sắt đến toàn thể cán bộ, nhân viên ngày nào cũng có dùng tới đường trong thức uống, thức ăn!

Trong những cái hách dịch quan liêu trên đời, cái hách dịch quan liêu của xe lửa là đứng đầu bảng. Họ hách dịch quan liêu từ khâu hướng dẫn khách, đến khâu mua vé, khâu đón khách lên tàu, khâu kiểm tra vé, khâu bán thức ăn đồ uống cho khách. Tôi không hiểu sao mà một ngành có tuổi đời cao như vậy lại lạnh lùng với khách, y như... cục sắt giữa mùa đông. Đó là chưa nói đến những kiểu quát nạt to tiếng với hành khách của các cán bộ, nhân viên an ninh đường sắt và an ninh tàu. Tôi đã từng bị chửi như tát nước vào mặt khi lỡ lầm hỏi thăm một ông nhân viên an ninh đường sắt về cái toilet ở đâu.

Tháng 4.2014, ông Đinh La Thăng đã kiểm điểm ông Cục trưởng Cục Đường sắt vì câu tuyên bố coi số tiền điều chỉnh lên 339 triệu đô la là “một tí” và chửi báo chí đã làm “rùm beng”. Tôi không lấy làm lạ khi ông cục trưởng này tuyên bố như vậy. Chính cái hách dịch quan liêu lưu cữu, cái cách làm ăn được chăng hay chớ của ngành đường sắt đã tạo ra những suy nghĩ coi đồng tiền kinh phí rẻ rúng như vậy. Não trạng đó có trong nhiều cán bộ, nhân viên của ngành đường sắt chứ đâu phải chỉ có trong tư duy của ông quan chức này.

Ai nói thế nào thì cứ nói nhưng tôi vẫn thấy chương trình bán vé xe lửa qua mạng cho nhân dân đi lại ngày tết của ngành này gần như chẳng đem lại ích lợi gì cả. Một lực lượng đầu cơ vé vẫn hoạt động tưng bừng ngay trước các nhà ga mà ngành đường sắt chưa bao giờ trị được. Và cũng không loại trừ tình trạng nhân viên xe lửa tuồn vé ra chợ đen để chợ đen bán lại hành khách kiếm lời và hành hành khách lên tàu vì tên trong vé không đúng với tên chứng minh nhân dân.

Đi tàu lửa, hành khách có cảm giác nhân viên đường sắt làm công việc chuyên môn thì trì trệ nhưng làm công việc riêng tư kiếm lợi cho mình thì nhanh nhảu. Ai cũng có thể buôn bán trên tàu; hành khách không phân biệt đó là của nhà tàu hay là của cá nhân. Không có gì tệ hại hơn ở những ga xép, lực lượng người buôn bán dưới đất được quyền nhào lên tàu, rao bán đủ thứ trên đời. Thi thoảng, khách bị lường gạt, dù chỉ là lường gạt nhỏ lẻ. Việc mua con gà luộc mà chỉ nhận được... cái đầu gà và không được thối lại tiền vẫn xảy ra.

Khách nước ngoài sang ta du lịch cũng thích đi tàu lửa bởi giá vé mềm hơn vé máy bay, được nhìn ngắm cảnh nông thôn VN và độ an toàn cao hơn đi xe khách. Thế nhưng, họ chỉ dám đi xe lửa một lần rồi... giã từ dĩ vãng. Lý do rất đơn giản: Những cái gọi là toilet trên xe lửa quá đỗi dơ bẩn, khiến họ chịu không nổi. Khi chuyến xe lửa qua một đường hầm, mùi xú uế từ các toilet đó tràn vào đầy các toa, kể cả toa giường nằm máy lạnh. Mà cái kiểu ngủ của các hành khách đi “nhảy vé” cũng lạ. Họ chiếm các khoảng trống trước các toilet để ngủ hay để giấu hàng; nhân viên tàu lửa cứ thản nhiên dung túng những cảnh nhếch nhác ấy. Phần lớn những hàng hóa đó là hàng buôn lậu, hàng trốn thuế; chắc là “có trong danh mục” nên được tàu lửa chuyên chở (?).

Vệ sinh trên tàu đã kém thì vệ sinh dưới đất tại các ga trung chuyển cũng rất trời ơi. Gần như ở ga nào, người ta cũng có thể phóng uế, xả rác được. Thôi thì ị bậy, tè bậy, vỏ lon, vỏ chai, thức ăn thừa, bao nilon vương vãi khắp ga. Có bao giờ bạn tìm thấy được một dãy khoảng 4 phòng toilet sáng sủa, nam nữ riêng biệt trên các sân ga trung chuyển chưa? Không hề. Ngành đường sắt giả thiết rằng hành khách đi xe lửa không biết... bài tiết, kể cả trong mùa đông lạnh giá ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Xin lỗi, chỉ có... cục sắt thì mới không biết bài tiết!

Nhân dân đều hiểu và thông cảm với ngành đường sắt là đầu máy xe lửa của chúng ta quá cũ, đường ray xe lửa của chúng ta quá lạc hậu. Nhưng phương tiện máy móc, cơ sở vật chất cũ kỹ, lạc hậu là một chuyện mà tinh thần, thái độ kinh doanh lại là một chuyện khác. Không thể nhân danh cái phương tiện, máy móc cũ kỹ, lạc hậu ấy để duy trì mãi cung cách làm ăn cũ kỹ, lạc hậu của thời bao cấp để lại.

Tôi kính mong các vị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và các vị hữu quan tích cực canh tân cung cách làm ăn của ngành đường sắt. Phải rờ thật kỹ cục sắt này thì mới mong đường sắt tiến lên kịp đà tiến của... xe đò. Tôi thấy ngành vận tải đường bộ bằng xe đò coi vậy mà làm ăn tốt hơn ngành đường sắt nhiều. Trên đây là một bài vừa sinh sự, vừa... năn nỉ. Cầu mong vậy thay!

Vũ Đức Sao Biển


0 nhận xét:

Đăng nhận xét